Trích dẫn từ Tribuna, một nhóm quan chức thuộc Liên đoàn Bóng đá Cameroon (FECAFOOT) đã chính thức gửi đơn khiếu nại hình sự lên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau khi phát hiện 600.000 USD "bốc hơi" không dấu vết từ một trận giao hữu quốc tế.
Được biết, khoản tiền này là phí tham dự mà công ty Soccer United Marketing (Mỹ) trả cho FECAFOOT sau trận đấu giữa đội tuyển Cameroon và Mexico tại San Diego vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, cho đến nay, FECAFOOT không nhận được số tiền này, cũng không có bất kỳ giấy tờ hay bằng chứng nào cho thấy đã có thanh toán hoặc kê khai thuế. Điều này khiến các quan chức trong nội bộ buộc phải hành động, gửi khiếu nại lên phía Mỹ với các cáo buộc nghiêm trọng như lừa đảo qua mạng, trốn thuế, rửa tiền và âm mưu phạm tội.
Mặc dù trong đơn không trực tiếp nêu tên Samuel Eto’o, nhưng với cương vị Chủ tịch FECAFOOT và người chịu trách nhiệm chính trong quản lý tài chính, Eto’o hiển nhiên trở thành đối tượng trọng tâm trong cuộc điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên Samuel Eto’o dính vào rắc rối kể từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch FECAFOOT vào cuối năm 2021. Ngược lại, thời gian gần đây, ông liên tục đối mặt với hàng loạt bê bối lớn nhỏ, từ trong nước đến quốc tế.
Nổi bật nhất là vụ rò rỉ đoạn ghi âm gây chấn động hồi năm 2023, trong đó Eto’o bị cáo buộc hứa giúp một CLB tại Cameroon thăng hạng bằng cách can thiệp vào kết quả các trận đấu. Dù ông phủ nhận toàn bộ và cho rằng bản ghi âm bị cắt ghép, vụ việc vẫn khiến dư luận phẫn nộ, còn nhiều người trong giới chức bóng đá yêu cầu một cuộc điều tra độc lập.
Không dừng lại ở đó, Eto’o còn nhiều lần bị chỉ trích vì can thiệp quá sâu vào công việc chuyên môn của đội tuyển quốc gia. Có tin đồn cho rằng ông gây sức ép với HLV Rigobert Song trong việc triệu tập cầu thủ, lựa chọn đội hình thi đấu tại CAN 2023, điều trái với vai trò của một chủ tịch liên đoàn.
Về mặt tài chính, FECAFOOT dưới thời Eto’o liên tục bị tố có dấu hiệu thiếu minh bạch, với nhiều khoản chi không rõ ràng và tình trạng nợ lương diễn ra thường xuyên. Thậm chí, một số nhân viên trong liên đoàn đã công khai chỉ trích sự điều hành "độc đoán và cá nhân hóa" của ông.

Chưa kể, trong quá khứ, Eto’o cũng từng bị Tòa án Tây Ban Nha kết án vì trốn thuế trong thời gian còn thi đấu cho Barcelona, bị tuyên phạt án tù treo và phải bồi thường hàng triệu euro. Tất cả những vết nhơ này đã khiến uy tín của ông sụt giảm nghiêm trọng, từ một biểu tượng dân tộc trở thành trung tâm tranh cãi không hồi kết.
Nếu FBI tiến hành điều tra, sẽ là vụ việc mang tính quốc tế đầu tiên nhắm vào một lãnh đạo bóng đá châu Phi.Nếu các cáo buộc được xác nhận, Eto’o không chỉ đối mặt với án phạt về mặt hình sự, mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về ngoại giao, khi chính phủ Mỹ chính thức can thiệp vào nội bộ của một liên đoàn thể thao châu Phi.
Với vụ 600.000 USD lần này, có thể nói Eto’o đã chạm đến "giới hạn cuối cùng". Huyền thoại từng mang bóng đá Cameroon ra ánh sáng thế giới, giờ đây có nguy cơ bị chính sự tham lam của mình kéo xuống vực thẳm.