Mùa mưa bão: Bí quyết giữ an toàn cho ô tô trước nguy cơ ngập nước, cây gãy đổ trúng xe

Trang Trang
Thứ tư, 23/07/2025 18:15 PM (GMT+7)
A A+

Thiệt hại do mưa bão không chỉ ảnh hưởng đến xế cưng, mà còn có thể kéo theo những rủi ro về sức khỏe và an toàn cho người điều khiển. Vì vậy, thay vì "chạy theo" để khắc phục hậu quả, người dùng nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu.

Ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) đang khiến nhiều khu vực trên cả nước chìm trong mưa lớn, giông lốc. Cây xanh bật gốc, ô tô bị đè bẹp, hàng loạt xe chết máy giữa dòng nước ngập,... gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. 

Trong bối cảnh mưa bão còn diễn biến phức tạp, việc chủ động phòng tránh và bảo vệ phương tiện trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

oto2

Ngập nước, thủy kích - những rủi ro phổ biến trong mùa mưa

Vào mùa mưa bão, ngập nước luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thiệt hại nặng cho ô tô. Chỉ cần đỗ xe ở nơi trũng thấp trong vài giờ mưa lớn, nước có thể tràn vào khoang máy, nội thất hoặc gây hiện tượng thủy kích nếu tài xế cố gắng khởi động lại xe đang chết máy giữa vùng ngập.

Để hạn chế rủi ro, việc lựa chọn vị trí đỗ xe an toàn là yếu tố then chốt. Chủ phương tiện nên ưu tiên những nơi cao ráo, có mái che vững chắc. Tuyệt đối tránh đỗ xe ở hầm gửi có hệ thống thoát nước kém.

Nếu bắt buộc phải đỗ xe trong hầm chung cư, có thể kê cao gầm xe bằng gạch, kích nâng hoặc phủ thêm bạt chống ngập chuyên dụng để giảm thiểu nguy cơ nước tràn vào động cơ.

Khi đang lưu thông và gặp mưa lớn, tài xế cần chủ động tìm nơi trú an toàn, không nên cố vượt qua các đoạn đường đang ngập sâu hoặc tầm nhìn bị hạn chế.

Nếu buộc phải dừng lại giữa đường, tuyệt đối không đỗ xe dưới gốc cây to, tường cũ, biển quảng cáo hay công trình đang thi công, vì nguy cơ sập đổ, cây gãy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

oto

Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển qua vùng ngập, cần giữ vận tốc chậm, đều ga và tránh tạo sóng lớn. Việc tăng tốc đột ngột có thể khiến nước tràn vào lưới tản nhiệt hoặc ống hút gió, làm hỏng động cơ. 

Đặc biệt, nếu xe chết máy giữa vùng ngập, không nên cố gắng khởi động lại. Hành động này dễ khiến tay biên cong, gãy hoặc vỡ lốc máy - một lỗi nghiêm trọng kéo theo chi phí sửa chữa có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

Phòng tránh rủi ro cây đổ khi mưa to gió lớn

Ngoài tình trạng ngập nước, cây đổ do giông lốc cũng là nỗi lo lớn của nhiều chủ xe trong mùa mưa bão. Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc ô tô bị cây đè bẹp xảy ra chỉ trong vài phút mưa giông bất ngờ.

Để hạn chế nguy cơ này, người lái nên ưu tiên gửi xe trong hầm để xe, bãi có mái che chắc chắn, thuộc các công trình kiên cố. Tuyệt đối không đỗ xe dưới gốc cây lớn, biển hiệu, cột điện hoặc các công trình có khả năng đổ sập khi gió mạnh.

Khi đang di chuyển và trời bất ngờ nổi giông lốc, hãy nhanh chóng tìm nơi trú tạm thời. Nếu không có lựa chọn nào lý tưởng, tài xế cần giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các cây cổ thụ hoặc công trình cũ trên đường đi.

Không ít tài xế có thói quen dừng lại dưới gầm cầu vượt hoặc trong hầm chui để tránh mưa.Tuy nhiên, đây không phải là phương án an toàn. Hầm chui thường dễ ngập khi mưa lớn, còn gầm cầu lại tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và va chạm từ các phương tiện phía sau.

oto1_optimized

Nếu cần dừng xe, hãy chọn khu vực thông thoáng, có tầm nhìn rộng và bật đèn cảnh báo để các phương tiện khác dễ dàng nhận diện.

Bảo dưỡng xe định kỳ - giải pháp phòng ngừa lâu dài

Bên cạnh các biện pháp tình huống, chủ động kiểm tra và bảo dưỡng xe trước mùa mưa bão là điều cần thiết. Hãy chắc chắn rằng hệ thống phanh, cần gạt nước, lốp xe, đèn chiếu sáng và hệ thống điện vẫn hoạt động tốt. Những bộ phận này sẽ giúp đảm bảo an toàn khi di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra sự cố đáng tiếc.

Với tần suất mưa lớn ngày càng dày đặc, nhiều đô thị thường xuyên đối mặt với tình trạng úng ngập, việc trang bị thêm các phụ kiện như bạt phủ chống nước, camera 360, cảm biến lùi, cảm biến nước,... cũng là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu thiệt hại và nâng cao khả năng kiểm soát phương tiện trong tình huống khẩn cấp.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm